Tham gia Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội Nguyễn_Duy_Thân

Đầu tháng 8-1945, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Xứ ủy Bắc kỳ đều lên Tân Trào dự Quốc dân đại hội. Chiều 15-8, nghe tin trên đài biết Nhật đầu hàng Đồng minh, Thường vụ Xứ ủy quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội ở Hà Nội gồm năm người: Chủ tịch Nguyễn Khang (ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ phụ trách Hà Nội); ông Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy, ủy viên quân sự; ông Lê Trọng Nghĩa, đại diện cho nhân sĩ, trí thức (Bí thư Đảng đoàn Dân chủ Đảng), ông Trần Quang Huy, phụ trách công vận và ông Nguyễn Duy Thân, phụ trách tư sản, tiểu thương. Cố vấn của Ủy ban là ông Trần Đình Long, từng học ở Đại học Phương Đông Moscow. Trực cơ quan Xứ ủy tại làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trần Tử Bình, phụ trách khởi nghĩa ở các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ.

Ngày 17-8-1945, chứng kiến quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Việt Minh biến cuộc mít-tinh của công chức ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim được Nhật bảo hộ thành cuộc tuần hành thị uy cách mạng. Ngày 18-8, Ủy ban Quân sự cách mạng chuyển vào số nhà 101 Gambette (nay là 101 Trần Hưng Đạo, trụ sở Viện Khoa học Giáo dục) làm việc. Không khí tấp nập lạ thường.

Sáng 19-8, bà con từ khắp các cửa ô kéo về Bờ Hồ rồi tập trung ở Quảng trường Nhà hát Lớn. Sau mit-tinh, hàng vạn quần chúng cách mạng từ quảng trường chia làm hai cánh: Cánh thứ nhất do ông Khang, ông Bình dẫn đầu tiến công vào Phủ Khâm sai, cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn, sau đó đánh tiếp ra Sở Bưu điện, Nhà băng Đông Dương…; cánh thứ hai do ông Nguyễn Quyết chỉ huy tiến công vào Trại Bảo an binh (đối diện rạp chiếu phim Majestic - nay là rạp Tháng Tám). Ông Thân theo cánh thứ nhất. Ai cũng phấn khích khi thấy quần chúng cách mạng ào ào tiến tới Phủ. Ông Trần Tử Bình chỉ thị qua điện thoại, buộc chính quyền các tỉnh phải bàn giao ấn tín và trụ sở cho Việt Minh. Ông Thân được phân công tiếp nhận và quản lý công việc hành chính của Phủ Khâm sai.[1]